Vì sao ở Việt Nam vẫn tồn tại thói quen “mua vàng ở đâu phải bán ở đó”?
Thị trường vàng Việt Nam hàng chục năm qua vẫn còn tình trạng “mua đâu bán đó”, vì niềm tin vào chất lượng vàng trang sức của các đơn vị sản xuất và kinh doanh chưa cao.
Đó là ý kiến của ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), đưa ra tại hội thảo “về chất lượng vàng trang sức tại Việt Nam”, do VGTA phối hợp với Hội đồng vàng thế giới (WGC) và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) tổ chức ngày 17-11.
Theo ông Đinh Nho Bảng, nhu cầu mua vàng trang sức ở thị trường Việt Nam ngày càng lớn. Từ mua vàng để dành, tích trữ sang làm đẹp nên các sản phẩm vàng phân khúc trung và cao cấp còn nhiều dư địa tăng trưởng trong những năm tới. Có điều, một thực tế vẫn tồn tại đến giờ là tình trạng “mua đâu bán đó”.
“Còn tình trạng mua vàng trang sức ở đâu, bán ở đó, tức là vàng chưa bảo đảm chất lượng, chưa tạo được niềm tin cho cả doanh nghiệp và khách hàng” – ông Bảng nói.
Nhu cầu mua vàng trang sức để làm đẹp, để dành của người dân luôn có
Thực tế, thị trường vàng cả nước hiện có gần 6.000 doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được cấp giấy chứng nhận nhưng số lượng doanh nghiệp có thương hiệu lớn chưa nhiều. Chất lượng vàng của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, hộ gia đình nhiều nơi chưa được bảo đảm. Vì vậy, phổ biến là hàng trang sức người dân mua ở đâu thì bán ở đó, nếu bán tiệm vàng khác sẽ bị mất giá vì chất lượng chưa bảo đảm và sản phẩm vàng trang sức của họ chưa đạt thương hiệu mà người tiêu dùng ưa chuộng…
Cũng theo VGTA, phần lớn doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức nhỏ lẻ chưa có thương hiệu, nên việc lưu thông rộng rãi còn khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục nỗ lực cải thiện và đồng nhất về chất lượng để khách hàng có thể “mua nơi này, bán nơi kia” một cách dễ dàng mà quyền lợi vẫn được bảo đảm.
“Chất lượng sản phẩm vàng trang sức đóng vai trò quyết định để phát triển thị trường này tại Việt Nam, đặc biệt ngoài chất lượng sản phẩm là tuổi vàng, trọng lượng vàng đúng như công bố… thì mẫu mã và dịch vụ sau bán hàng cũng là yếu tố quan trọng” – ông Đinh Nho Bảng nói.
Một trong những khó khăn của doanh nghiệp vàng hiện tại, theo VGTA, là thiếu nguồn nguyên liệu vàng để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Nhu cầu vàng nguyên liệu của các doanh nghiệp ước tính mỗi năm khoảng 20 tấn vàng. Nhưng khoảng chục năm nay, từ khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho doanh nghiệp nào nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất trang sức, mỹ nghệ.